Phụ nữ sau sinh chúng mình cần chú ý tới rất nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó không thể kể tới thực đơn sau sinh sao cho đầy đủ dưỡng chất cho cả mẹ và bé nữa. Đặc biệt là trong thời gian ở cữ thì các mẹ càng cần phải chú ý nhiều hơn. Nếu còn đang băn khoăn rằng thực đơn sau sinh ra sao mới đảm bảo dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe của cả mẹ lẫn bé thì đừng bỏ qua bài viết sau đây. Thực đơn dựa trên kinh nghiêm của mình và kiến thức mà mình tìm hiểu được, vừa đủ chất lại ngon miệng, mong rằng nó sẽ giúp đỡ phần nào được các mẹ trong thời gian sau sinh đầy vất vả.
Một số lưu ý khi lên thực đơn cho bà đẻ
Ăn như thế nào để có thể vừa nhiều sữa cho con mà chính mẹ cũng không bị nhàm chán là vấn đề khá đau đầu đối với chúng mình cũng như bậc làm cha mẹ. Dưới đây là một vài lưu ý cần nhớ khi chuẩn bị đồ ăn cho bà đẻ mà mình tìm hiểu được:
- Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ăn 3 bữa như bình thường, mẹ sau sinh cần chia nhỏ bữa ăn thành 5 bữa
- Uống nhiều nước, có thể uống thêm sữa ngoài
- Những ngày đầu sau khi sinh ( 1 – 2 ngày), hãy để bản thân ăn đồ ăn loãng, dễ tiêu hóa như cháo. Sau đó mới bắt đầu bổ sung dinh dưỡng từ chân giò, thịt gà nhé.
- Đồ ăn cần phải đảm bảo đầy đủ chất, các loại vitamin, protein, chất béo, chất khoáng…
- Tránh ăn các thực phẩm đồ sống, có nhiều mỡ, tránh ăn cay. Và đặc biệt nên nhớ không sử dụng chất có cồn hay hút thuốc lá trong thời kỳ cho con bú.
Nghe thì khó vẻ khá phức tạp và đòi hỏi sự chỉn chu nhất định trong từng bữa ăn nhưng các mẹ cũng đừng nên quá lo lắng bởi chúng ta vẫn còn sự giúp sức của cả gia đình bởi sức khỏe của mẹ và bé là quan trọng nhất đối với bà đẻ phải không nào?
Phụ nữ sau sinh nên ăn gì?
4 nhóm thực phẩm mà mẹ cần bổ sung đầy đủ gồm
- Chất đạm: Nhóm thực phẩm chứa nhiều chất đạm như thịt heo nạc, thịt bò nạc, đậu nành, đậu đen, đỏ, đậu Hà Lan, sữa bò, sữa chua, sữa đậu nành, trứng gà…
- Chất béo: Ngoài các thực phẩm nhiều chất béo, nên sử dụng dầu thực vật để chế biến các món xào, kho hay chiên sẽ tốt hơn cho mẹ sau sinh.
- Chất bột đường: Mẹ nên ăn cơm, phở, cháo nhưng cần tránh ăn bún và bánh kẹo ngọt, nước có ga, kem lạnh…
- Chất xơ: Bổ sung chất xơ bằng cách thêm vào thực đơn hàng ngày nhiều loại rau có lá màu xanh đậm như rau ngót, rau dền, mồng tơi…
Thực đơn cho bà đẻ sinh thường
Với mẹ sinh thường không có bất kỳ tai biến sản khoa nào thì không cần phải kiêng cữ quá nhiều khi ăn uống. Bổ sung đủ 4 nhóm chất cần thiết và gọi sữa về theo mẹo dân gian với một số món ăn như:
- Móng giò heo: Theo Đông y đây là món ăn bổ huyết thông sữa, rất tốt cho phụ nữ sau khi sinh bị thiếu sữa.
- Gạo nếp: Giúp dễ tiêu hoá, rất tốt cho sản phụ thiếu sữa.
- Thịt cá mực: Gọi là ô tặc ngư nhục có vị ngọt mặn, tính bình, tác dụng bổ trung ích khí, nhiều chất dinh dưỡng có ích cho sản phụ.
- Uống sữa và các sản phẩm của sữa như yaourt, phômai… giúp răng, xương của hai mẹ con chắc khỏe hơn.
- Trong giai đoạn sản dịch đang ra rất nhiều nên ăn nhiều chất có tác dụng co hồi tử cung để đẩy nhanh chất dịch ứ đọng trong buồng tử cung. Các loại tôm là một sự lựa chọn lý tưởng.
Thực đơn cho bà đẻ sinh mổ
Vì một lý do nào đó mà mẹ cần phải sinh mổ thay vì sinh thường. Vì thế mà những mẹ sau khi sinh mổ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng để vừa có sữa cho con, lại nhanh lành vết thương.
Trong 1-2 ngày đầu sau khi mổ, hệ tiêu hóa chưa được ổn định, do đó bà đẻ nên ăn thức ăn dễ tiêu như cháo, canh gà canh xương….Vừa dễ ăn, dễ tiêu hóa lại cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.
Sau 3-4 ngày các mẹ có thể ăn nhiều hơn nhưng nên chia nhỏ khẩu phần ăn, mỗi lúc ăn một ít.
Những ngày sau đó thì thực đơn cho bà đẻ cần phải đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng, các chất cần thiết như protein, chất khoáng, vitamin,…Bổ sung thêm những loại đồ ăn giàu chất sắt để bù lượng máu đã bị mất khi mổ. Quan trọng là mẹ cần phối hợp một cách hợp lý giữa các loại dưỡng chất. Ăn thức ăn từ dạng lỏng đến đặc dần.
Các mẹ cũng có thể chia nhỏ bữa ăn ra thành 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ
Sau khi sinh mổ thì các mẹ nên nhớ không ăn rau muống, lòng trắng của trứng gà, những loại thức ăn này có thể tạo mủ ở vết mổ. Cũng không nên ăn những đồ ăn tanh vì nó có thể sẽ gây ra hiện tượng ức chế sự ngưng tụ máu do đó sẽ khiến vết thương khó lành lại nhanh chóng.
Các loại rau mà chúng mình có thể sử dụng đó là rau lang, rau ngót, mồng tơi…
Ăn các loại trái cây có chứa nhiều vitamin như cam, quýt, hỗ trợ cho việc tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn nữa đó các mẹ.
Dù ăn loại thức ăn nào thì người mua cũng nên chọn thức ăn tươi ngon nhất, có nhiều dinh dưỡng và cần phải được chế biến chín mới sử dụng.
Thực đơn món canh cho mẹ sau sinh nhiều sữa
Hãy cùng nhau tham khảo vài món ăn ngon được mình giới thiệu dưới đây để làm cho thực đơn ăn uống cho bà đẻ trở nên phong phú hơn, nhưng vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng nhé!
Bí đỏ nấu móng giò
Móng giò heo xưa nay được biết đến là một trong những thực phẩm lợi sữa nhất dành cho bà đẻ. Thường thì nó sẽ được nấu cháo để có tác dụng tốt nhất. Tuy nhiên các bạn vẫn có thể biến tấu bằng cách đó là nấu bí đỏ móng giò để bà đẻ ăn cùng với cơm trắng cho lạ miệng.
Nguyên liệu cần có
- Móng giò: 700g: các mẹ hãy nhờ người bán chặt nhỏ luôn vì họ có dao chuyên dụng nhé.
- Bí đỏ: 300g
- Hành lá: vài cọng
- Hạt nêm: 2 thìa cà phê
Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Móng giò: Móng giò sau khi mua về mẹ cần cạo lại cho sạch lông, rửa sạch rồi cho qua nước sôi chần qua rồi vớt ra, cho vào nồi khác.
- Bí đỏ: Gọt vỏ, cạo bỏ phần ruột và hạt, rửa sạch rồi sau đó thái miếng vừa ăn
- Hành lá: cắt bỏ rễ, rửa sạch sau đó thái khúc
Bước 2: Hầm móng giò
- Bạn cũng có thể hầm móng giò bằng nồi nấu canh bình thường hoặc cho vào nồi áp suất hầm sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên để nấu canh thì theo mình bạn hầm bằng nồi bình thường cũng được nhé.
- Cho móng giò vào nồi, đổ ngập nước cao hơn so với móng giò, tỉ lệ móng giò : nước là 1:2. Sau đó bật bếp và hầm trong khoảng 20 phút, nếu bạn thấy có bọt nổi lên thì bạn dùng muôi vớt bỏ cho nước trong hơn. Cho thêm vào nồi móng giò hạt nêm để hầm cùng.
Bước 3: Sau 30 phút, mẹ cho bí đỏ vào và nấu cùng trong khoảng 5-7 phút sẽ thấy bí đỏ chín mềm, nêm nếm lại cho vừa ăn rồi cho hành lá vào và tắt bếp.
Canh rau ngót thịt bò
Rau ngót và thịt bò nạc cũng được các bác sĩ khuyên dùng cho các bà mẹ sau sinh. Canh rau ngót thịt bò nạc ngon ngọt, mát lành và rất dễ ăn, cung cấp các loại vitam min A, B12 rất tốt cho cơ thể mẹ.
Nguyên liệu cần có
- Rau ngót: 1 bó rau ngót
- Thịt bò thăn: 100g: Chọn miếng thịt nạc không có mỡ
- Hạt nêm: 1 thìa cà phê
- Dầu ăn: 1 thìa cà phê
Các bước thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Rau ngót: chọn lấy phần lá non, rửa sạch
- Thịt bò: rửa sạch, thái lát rồi băm nhỏ. Bạn hãy nhớ mua thịt về tự băm nhỏ để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhé.
Bước 2: Bắt đầu nấu canh
Bắc nồi lên bếp, cho một ít dầu ăn vào, khi dầu ăn sôi thì cho rau ngót vào đảo sơ, nêm thêm hạt nêm, đảo đều sau đó cho thịt bò vào xào sơ qua. (Thịt bò không nên xào lâu vì nó sẽ bị dai và khô). Cuối cùng mẹ chỉ cần đổ nước vào, khi nước sôi thì nguyên liệu cũng đã chín, nêm nếm lại là có thể sử dụng rồi nhé.
Bà đẻ sau sinh nên ăn hoa quả gì?
Bưởi, cam, quýt, na, chuối, dưa hấu, long nhãn… là những loại hoa quả mà sau khi các bà bầu sinh thường cũng như mổ đẻ nên ăn.
Bưởi
Bưởi chứa nhiều vitamin C, Fitogen, cùng nhiều khoáng chất vi lương như: kẽm, natri, canxi… và các axit tự nhiên có tác dụng ngăn ngừa tình trạng chảy máu. Đồng thời, nó giúp làm đẹp làn da, tiêu mỡ, hạ cholesterol cho mẹ bầu sau khi sinh. Lượng axit tự nhiên trong bưởi sẽ giúp hệ tiêu hóa của các mẹ hoạt động tốt dù ăn quá no.
Hơn nữa, sau khi sinh, ăn nhiều bưởi cũng giúp các mẹ nhanh chóng lấy lại vóc dáng thuở ban đầu mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
Cam, quýt
Vì đây là thời gian khó khăn nhất với các mẹ, cơ thể còn rất yếu ớt nên cần tìm nguồn dinh dưỡng để bổ sung, giúp hồi phục nhanh chóng. Cam, quýt chính là loại hoa quả trong thời gian này các mẹ cần ăn nhiều. Chúng cực kỳ tốt cho phụ nữ sau khi sinh, nhất là sinh mổ, giúp bổ sung vitamin C và canxi để khôi phục vết mổ nhanh và ngăn chặn tình trạng chảy máu sau hậu sản.
Trong cam, quýt còn chứa chất chống oxy hóa giúp mẹ bầu sau sinh tăng cường sức đề kháng, tăng tiết sữa, giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn.
Na
Sau khi sinh do cơ thể còn yếu, mệt mỏi, nên các bà mẹ thường rất chán ăn. Để cải thiện tình trạng này quả na là một trong những loại trái cây hàng đầu được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích sản phụ nên ăn. Bởi loại quả này chứa nhiều vitamin C (1 quả na cung cấp đến 1/5 lượng vitamin C mà cơ thể cần) giúp ngăn chặn tình trạng chảy máu sau sinh, tăng cường hệ miễn dịch cho mẹ, kích thích cảm giác thèm ăn.
Ngoài ra, sau khi sinh các mẹ cũng nên ăn thêm các loại quả sau: quả sung, sơn trà, đủ đủ… rất tốt cho sức khỏe của mẹ và bé.
Thêm vào đó các mẹ cũng nên tránh ăn những loại quả theo lời khuyên của bác sĩ như nhất là sinh mổ không nên ăn vì đó là những loại quả ảnh hưởng đến thể trạng của mẹ và chất lượng sữa của con như vải, xoài và chanh.
Phần kết
Vậy là mình đã cùng các mẹ điểm qua một số lưu ý cũng như một vài thực đơn ngon miệng mà lại đủ chất dinh dưỡng rồi. Mong rằng với kinh nghiệm cũng như kiến thức của mình, bài viết này sẽ giúp các mẹ trả lời câu hỏi khá nan giải rằng ăn gì sau sinh tốt cho cả mẹ và bé cũng như chất lượng sữa. Chúc các mẹ sẽ luôn có một sức khỏe thật tốt để quan tâm và chăm sóc đến sự phát triển toàn diện của con yêu nhé!
Trả lời